Tiểu sử Max Steiner

Trước tuổi đôi mươi (1888–1907)

Nơi Max Steiner chào đời tại Viên ngày nay, Praterstraße 72

Max Steiner sinh ngày 10 tháng 5 năm 1888 tại Đế quốc Áo-Hung, là con một trong gia đình gốc Do Thái làm sân khấu và kinh doanh giàu có.[1][2] Tên ông được đặt theo ông nội là Maximilian Steiner (1839–1880), người có công đầu tiên thuyết phục Johann Strauss II viết nhạc kịch đồng thời là người quản lý có tầm ảnh hưởng của nhà hát lịch sử Theater an der Wien tại Viên.[3] Cha mẹ ông là Marie Josefine/Mirjam (Hasiba) và Gabor Steiner, người Hungary gốc Do Thái (1858-1944, sinh tại Temesvár, Vương quốc Hungary, Đế quốc Áo), làm ông bầu, quản lý triển lãm lễ hội và nhà phát minh, chịu trách nhiệm xây dựng vòng đu quay Wiener Riesenrad.[4] Người cha khích lệ tài năng âm nhạc của Steiner ở tuổi 12 biểu diễn vở operetta The Belle of New York và sớm được tác giả Gustave Kerker công nhận.[3] Bà Marie, mẹ của Steiner, khi còn trẻ là vũ công được ông nội Steiner đưa lên sân khấu, nhưng sau đó bà tham gia vào công việc kinh doanh nhà hàng.[5][6] Steiner có cha đỡ đầu là nhà soạn nhạc Richard Strauss. Strauss có ảnh hưởng mạnh mẽ đến công việc sau này của Steiner.[7][8] Steiner thường nói gia đình đã truyền cảm hứng cho khả năng âm nhạc của mình thuở ban đầu. Ngay từ khi lên 6, Steiner đã học ba hoặc bốn buổi piano một tuần, nhưng thường không thích các bài học đó. Vì vậy, Steiner tự tập luyện ngẫu hứng và được cha khuyến thích tự viết nhạc cho mình. Steiner cho rằng ngẫu hứng ban đầu đã ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc, đặc biệt là nhạc của Claude Debussy, người tiên phong "avant garde" khi ấy. Lúc nhỏ, Steiner bắt đầu sự nghiệp sáng tác với các hành khúc cho ban nhạc trung đoàn và những ca khúc chủ điểm cho show diễn của cha.[9]

Được cha mẹ gửi vào Đại học Bách khoa Vienna nhưng Steiner tỏ ra không mấy hứng thú với các môn học sách vở. Năm 1904, Steiner đăng ký vào Học viện Âm nhạc Hoàng gia.[10] Tại đó, nhờ năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và được Robert FuchsGustav Mahler dạy riêng, Steiner hoàn thành khóa học bốn năm chỉ trong một năm, 15 tuổi giành được huy chương vàng từ học viện.[11] Steiner học nhiều loại nhạc cụ khác nhau như dương cầm, phong cầm, vĩ cầm, đại vĩ cầm (công tra bát) và kèn trumpet. Tuy thích và chơi piano hay nhất nhưng Steiner thừa nhận tầm quan trọng khi quen với cách tấu các nhạc cụ khác. Steiner cũng tham gia các khóa hòa âm, đối âm và bố cục.[6] Cùng với Mahler và Fuchs, Steiner còn nhắc đến các thầy giáo Felix WeingartnerEdmund Eysler.[9]

Bắt đầu sự nghiệp âm nhạc (1907–1914)

Âm nhạc của Edmund Eysler có ảnh hưởng ban đầu đến các sáng tác của Max Steiner.[9] Tuy nhiên, Franz Lehár mới là một trong những người giới thiệu operetta với Steiner, ông từng quản lý ban quân nhạc cho nhà hát của cha Steiner. Năm 1907 tại Viên, Steiner thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với Lehár khi dàn dựng vở operetta phỏng theo Die lustige Witwe (Bà quả phụ vui tính) của ông.[12] Eysler nổi tiếng với những bản operetta dù bị Richard Traubner phê bình lời nhạc kịch libretto đơn điệu với cách thức khá đơn giản, âm nhạc thường quá đậm chất valse thành Viên.[13] Kết quả là khi bắt đầu sáng tác cho nhà hát, Steiner thích viết libretto như thầy mình và thành công rất hạn chế. Tuy nhiên, nhiều nhạc phim về sau của ông như Dark Victory (1939), In This Our Life (1941) và Now, Voyager (1942) thường có giai điệu valse theo kiểu Eysler.[9] Theo tác giả cuốn sách Max Steiner's "Now, Voyager" là Kate Daubney, Steiner cũng có thể bị ảnh hưởng từ Felix Weingartner, người chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Opera Viên giai đoạn 1908–1911. Tuy theo học các lớp sáng tác của Weingartner nhưng ngay từ khi còn bé, Steiner luôn muốn trở thành một nhạc trưởng tài ba.[12]

Từ năm 1907 đến năm 1914, Steiner qua lại giữa Anh và Châu Âu để dàn dựng các tác phẩm sân khấu.[14] Mới 15 tuổi, Steiner đã lần đầu bước vào thế giới âm nhạc chuyên nghiệp. Anh đã viết và dàn dựng vở operetta The Beautiful Greek Girl, nhưng cha anh nói nó chưa đủ hay nên không cho lên sàn diễn. Steiner liền mang tác phẩm tới ông bầu cạnh tranh là Carl Tuschl, người đưa ra lời đề nghị thực hiện. Tác phẩm được diễn tại nhà hát Orpheum trong một năm đã khích lệ Steiner.[15] Từ đó mang lại cơ hội với những buổi trình diễn khác tại các thành phố khắp thế giới như Moskva và Hamburg. Khi quay về Viên, Steiner phát hiện cha mình bị phá sản. Tìm việc khó khăn, Steiner chuyển đến London (một phần lý do là đi theo cô gái trình diễn người Anh mà anh đã gặp ở Viên).[15] Tại London, Steiner được mời để chỉ huy vở Die lustige Witwe của Lehár. Anh sống tại London 8 năm, chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Daly, Adelphi, Hippodrome, London Pavilion và Blackpool Winter Gardens.[3] Ngày 12 tháng 9 năm 1912, Steiner kết hôn với Beatrice Tilt nhưng không rõ về sau chia tay khi nào.[16]

Ở Anh, Steiner biên soạn, chỉ huy các tác phẩm sân khấu và nhạc giao hưởng. Nhưng Thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914 khiến Steiner bị giam giữ như kẻ thù trong xứ.[17] May mắn thay, Công tước Westminster là bạn và cũng rất hâm mộ tác phẩm của Steiner đã kiếm giấy xuất cảnh sang Mỹ cho anh, dù toàn bộ tiền bạc bị giữ lại. Tháng 12 năm 1914, Steiner cập cảng New York chỉ với vỏn vẹn 32 đô la.[3] Không thể tìm được việc làm, Steiner phải làm giúp việc như thợ sao chép cho Harms Music Publishing, nhưng từ đó lại nhanh chóng đưa Steiner đến với công việc dàn dựng nhạc kịch trên sân khấu.[15]

Sân khấu Broadway (1914–1929)

Tại New York, Max Steiner nhanh chóng được tuyển dụng và trong 15 năm giữ các vị trí đạo diễn, chuyển soạn, hòa âm, chỉ huy âm nhạc các tác phẩm Broadway. Những tác phẩm này bao gồm operetta và nhạc kịch của Victor Herbert, Jerome Kern, Vincent YoumansGeorge Gershwin cùng những người khác nữa. Các tác phẩm ghi công Steiner như George White's Scandals (1922) (đạo diễn), Peaches (1923) (soạn nhạc) và Lady, Be Good (1924) (chỉ huy và hòa âm).[16] Năm 1935, Steiner trở thành đạo diễn âm nhạc cho Fox Film khi 27 tuổi.[18] Lúc ấy không có nhạc viết dành riêng cho phim và Steiner trình bày ý tưởng soạn riêng bản nhạc cho The Bondman (1916) với người sáng lập hãng William Fox. Fox đồng ý và lập dàn nhạc 110 người để hỗ trợ chiếu phim.[19] Ngày 27 tháng 4 năm 1927, ông kết hôn với Audree van Lieu và ly hôn ngày 14 tháng 12 năm 1933.[16] Năm 1927, Steiner dàn dựng và chỉ huy Rio Rita của Harry Tierney. Sau đó, chính Tierney đề nghị RKO Pictures ở Hollywood thuê Steiner đến làm việc trong bộ phận sản xuất âm nhạc. Trưởng bộ phận sản xuất của RKO William LeBaron đã đến New York xem biểu diễn và bị Steiner cùng các nhạc công gây ấn tượng bởi mỗi người chơi nhiều nhạc cụ. Cuối cùng, Steiner trở thành một phần của Hollywood. Tác phẩm cuối cùng của Steiner tại Broadway là Sons O 'Guns năm 1929.[3]

Soạn nhạc cho RKO (1929–1937)

Như Harry Tierney đề nghị, RKO thuê Max Steiner làm nhà soạn nhạc. Công việc đầu tiên là các bản nhạc chủ đề chính và cuối phim, đôi lúc cũng có nhạc phân cảnh phim nữa.[20] Theo Steiner, các nhà làm phim lúc ấy có chung quan điểm rằng nhạc phim là "ác ma cần thiết" vì thường làm chậm tiến độ ra mắt sau khi đã quay xong.[21][22] Công việc đầu tiên của Steiner là dành cho phim Dixiana; nhưng sau một thời gian, RKO cảm thấy không cần nữa nên quyết định để ông ra đi. Người đại diện của Steiner đưa ông vào làm đạo diễn âm nhạc cho vở operetta ở thành phố Atlantic. Trước khi rời đi, RKO lại đề nghị Steiner ký hợp đồng theo tháng cho vị trí trưởng bộ phận âm nhạc với hứa hẹn có nhiều việc hơn trong tương lai và ông đồng ý.[23] Vì một số nhà soạn nhạc ở Hollywood không tham gia, Steiner đã sáng tác bản nhạc đầu tiên của mình cho phim Cimarron. Bản nhạc được công chúng đón nhận và phần nào ghi nhận tạo nên thành công của bộ phim.[23] Steiner từ chối một số lời đề nghị hướng dẫn kỹ thuật soạn nhạc phim ở MoskvaBắc Kinh để tiếp tục ở lại Hollywood.[24] Năm 1932, nhà sản xuất mới của RKO là David O. Selznick[3] yêu cầu Steiner thêm nhạc vào Symphony of Six Million. Chỉ với một đoạn ngắn Steiner đã khiến Selznick thích thú đến nỗi yêu cầu sáng tác nhạc chủ đề và nhạc kèm cho cả bộ phim.[25] Selznick tự hào về bộ phim, cảm thấy nó mang đến một cái nhìn thực tế về cuộc sống và truyền thống gia đình Do Thái.[26] "Trước đó, âm nhạc đi kèm không được sử dụng nhiều lắm". Steiner "đi tiên phong trong việc sử dụng bản nhạc nguyên gốc riêng làm nhạc nền cho phim".[3] Thành công với nhạc cho Symphony of Six Million là bước ngoặt trong sự nghiệp của Steiner với ngành công nghiệp điện ảnh. Sau Symphony of Six Million, 1/3 đến một nửa các bộ phim thành công là "nhờ vào việc sử dụng rộng rãi âm nhạc".[25]

Nhạc phim King Kong (1933) là bước đột phá của Steiner và tiêu biểu cho sự thay đổi nhạc phim phiêu lưu kỳ ảo.[27][28] Nhạc là phần không thể thiếu vì đã bổ sung tính hiện thực cho nội dung phi thực tế trong phim.[29] Ban đầu, các ông chủ hãng phim tỏ ra nghi ngờ việc phải có bản nhạc riêng, nhưng khi không thích hiệu ứng đặc biệt có sắp xếp trước trong phim, họ đã để Steiner dùng âm nhạc để nâng cao chất lượng phim. Hãng phim đề xuất dùng lại các bản nhạc cũ để tiết kiệm chi phí[3] nhưng nhà sản xuất King Kong Merian C. Cooper đã yêu cầu Steiner soạn nhạc còn ông sẽ trả kinh phí cho dàn nhạc.[30] Steiner tận dụng đề xuất này và sử dụng dàn giao hưởng 80 nhạc công, ông nói bộ phim này "dành cho âm nhạc".[31] Theo Steiner, "đó là loại phim cho phép làm bất cứ điều gì và mọi thứ đều có thể, từ các hợp âm kỳ quặc quãng nghịch cho đến những giai điệu đẹp".[3] Steiner cũng soạn thêm nhạc bộ lạc hoang dã trong cảnh hiến tế Ann cho Kong.[32] Ông biên soạn trong hai tuần, chi phí thu âm khoảng 50.000 đô la.[25] Bộ phim trở thành "dấu mốc nhạc phim", cho thấy sức mạnh âm nhạc có thể chi phối cảm xúc khán giả.[33][34] Steiner tạo nên bản nhạc theo nguyên lý nét chủ đạo của Wagner, yêu cầu nhạc chủ đề đặc biệt cho nhân vật và ý tưởng chủ đạo hàng đầu. Nhạc chủ đề của con quái vật có thể nhận thấy dưới mô típ nửa cung 3 nốt giai điệu hướng xuống. Sau cái chết của King Kong, nhạc chủ đề Kong và chủ đề Fay Wray hội tụ, nhấn mạnh mối quan hệ theo kiểu Người đẹp và quái thú giữa các nhân vật. Âm nhạc cảnh cuối phim giúp thể hiện tình cảm dịu dàng mà Kong dành cho người phụ nữ mà không cần hình ảnh rõ ràng. Phần lớn nhạc mạnh mẽ và to, nhưng một số có nhẹ hơn chút đỉnh. Ví dụ, khi tàu đi vào [Đảo Đầu Lâu]], Steiner giữ cho nhạc êm đềm nhẹ nhàng bằng tiếng đàn hạc giúp khắc họa hình ảnh con tàu thận trọng đi qua vùng nước mù sương.[33] Thành quả của Steiner được ghi nhận, Cooper xác định nhạc đã tạo nên 25% thành công cho bộ phim.[30] Trước khi qua đời, Steiner thừa nhận King Kong là một trong những bản nhạc yêu thích của mình.[35]

King Kong nhanh chóng đưa Steiner trở thành một trong những cái tên được kính trọng nhất tại Hollywood. Ông tiếp tục làm đạo diễn âm nhạc cho RKO trong hai năm tiếp theo tới năm 1936. Năm 1936, Steiner kết hôn với nhạc công hạc cầm Louise Klos và có một con trai đặt tên là Ron, nhưng rồi họ ly dị năm 1946.[16] Steiner đã sáng tác, dàn dựng và thực hiện cho 55 bộ phim khác, gồm hầu hết các nhạc khiêu vũ của Fred AstaireGinger Rogers. Ngoài ra, Steiner viết một bản sonata trong phim đầu tiên của Katharine Hepburn là Bill of Divorcement (1932). Các nhà sản xuất RKO gồm cả Selznick, thường đến gặp Steiner khi phim gặp vấn đề, và coi ông như "bác sĩ" âm nhạc.[3]

Phim Of Human Bondage (1934) lúc ban đầu thiếu mảng nhạc. Ông đã thêm điểm nhấn âm nhạc vào những cảnh quan trọng. Đạo diễn John Ford mời Steiner soạn nhạc cho The Lost Patrol (1934) vì thiếu kịch tính nếu không có âm nhạc. John Ford lại mướn Steiner để soạn nhạc trước khi sản xuất bộ phim tiếp theo The Informer (1935). Ford thậm chí còn yêu cầu Steiner hợp tác ngay trong giai đoạn viết kịch bản. Bình thường Steiner không làm vậy mà sẽ từ chối trước khi có đoạn cắt cảnh thô. Vì có nhạc trước nên nên Ford đôi lúc làm ngược lại thông lệ là cho quay các cảnh đồng bộ với nhạc của Steiner có sẵn. Do đó, Steiner ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân vật chính Gypo. Diễn viên Victor McLaglen vào vai Gypo đã tập lại cách bước đi cho phù hợp với nét chủ đạo vụng về mà Steiner dùng nhạc khắc họa cho Gypo.[36] Cách sản xuất phim độc đáo này mang lại thành công; bộ phim được đề cử sáu và giành được bốn giải Oscar, bao gồm cả Giải Oscar cho nhạc phim hay nhất cho Steiner.[37] Bản nhạc minh chứng cho khả năng Steiner thể hiện tinh thần bộ phim trong một bản nhạc chủ đề duy nhất.[33] Tựa soundtrack nhạc phim chính có ba khía cạnh cụ thể. Thứ nhất, chủ đề hành khúc dồn dập giúp mô tả khí thế đoàn quân tiến lên và sự sụp đổ của nhân vật chính Gypo là không thể tránh khỏi. Thứ hai, nhạc chủ đề nhân vật khắc họa sự lạnh lùng điềm tĩnh và đưa khán giả đồng cảm chính xác với tâm trạng trong phim. Cuối cùng, nhạc chủ đề mang âm hưởng dân ca Ireland giúp mô tả rõ hơn bối cảnh lịch sử Ireland tác động trong phim. Nhạc phim không đồng nhất một kiểu trong suốt phim mà chỉ là khung sườn cho các mô típ giai điệu từng phần khác nhau.[38]

Nhạc phim này gồm nhiều chủ đề khác nhau, đặc trưng cho tính cách nhân vật và tình huống khác nhau trong phim. Steiner giúp khắc họa tình yêu chân thành Katie dành cho nhân vật chính Gypo. Trong một phân cảnh, tiếng độc tấu vĩ cầm vang lên theo từng tiếng Katie gọi theo Gypo. Trong một cảnh khác, Gypo xem quảng cáo về con tàu hơi nước đến Mỹ và thay vào đó, anh lại thấy mình đang nắm tay Katie trên tàu. Chuông hôn lễ vang lên cùng tiếng đàn organ và anh thấy Katie đeo lúp che mặt, tay cầm bó hoa. Một cảnh sau đó, nhạc chủ đề về Katie cất lên khi Gypo uống say nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp tại quán bar, hàm ý rằng anh đã nhầm cô với Katie. Các nhạc chủ đề khác như dân ca Ireland bằng kèn Pháp cho Frankie McPhilip, chủ đề bằng nhạc cụ dây ấm áp cho Dan, Gallagher và Mary McPhillip, và chủ đề buồn bằng kèn Anh với đàn hạc cho người mù.[38] Mô típ quan trọng nhất trong phim là "tiền công kẻ giết mướn" bằng nhạc chủ đề về sự phản bội khi Gypo phản bội người bạn Frankie của mình. Nhạc cất lên khi nhân vật Thuyền trưởng ném tiền ra bàn sau khi Frankie bị giết. Đây là tiếng đàn hạc với giai điệu hướng xuống bằng bốn nốt; quãng đầu tiên là quãng ba. Với cảnh quyết định ai sẽ là kẻ hành quyết, mô típ nhạc được lặng lẽ lặp đi lặp lại không ngừng để hình thành tội lỗi trong Gypo, mô típ nhạc được đồng bộ với tiếng nước nhỏ giọt trong nhà giam. Nhưng vào cuối phim, chủ đề này lại dùng âm lượng cực mạnh khi Gypo bước vào nhà thờ, kết thúc cao trào bằng loạt tiếng dập chũm chọe khắc họa sự sám hối của Gypo chứ không đề cập đến tội lỗi hình thành nữa.[39]

Sáng tác của Steiner vẫn còn phong cách phim câm, chẳng hạn trước một hành động hay hệ quả sẽ là hợp âm sforzato ngay trước đó, tiếp theo là khoảng lặng. Ví dụ như khi Frankie đối mặt với Gypo đang nhìn vào khoản tiền thưởng trên giấy truy nã dán trên tường. Trong phim, Steiner thử sử dụng kỹ thuật "Mickey Mousing".[40] Qua bản nhạc này, Steiner cho thấy tiềm năng âm nhạc điện ảnh khi cố gắng thể hiện đấu tranh nội tâm Gypo bằng việc pha trộn các nhạc chủ đề khác nhau như "Vũ khúc vòng quanh người Circassia" của Ireland, mô típ "tiền công kẻ giết mướn" và nhạc chủ đề cho Frankie. Tác phẩm kết thúc với bản nhạc gốc "Sancta Maria" của Steiner. Một số tác giả đã nhầm bản này sang "Ave Maria" của Franz Schubert.

Năm 1937, Frank Capra thuê Steiner đến dàn dựng nhạc của Dimitri Tiomkin cho phim Lost Horizon (1937). Việc này được coi là giải pháp an toàn vì Tiomkin còn thiếu kinh nghiệm, nếu cần thì Steiner sẽ viết lại.Tuy nhiên theo Hugo Friedhofer, Tiomkin chủ động yêu cầu chính Steiner, mến mộ ông hơn là đạo diễn âm nhạc xưởng phim khi ấy.[41] Năm 1936, Selznick thành lập công ty phim riêng và tuyển Steiner viết nhạc cho ba bộ phim tiếp theo của mình.[3]

Sáng tác cho Warner Bros. (1937–1953)

Tháng 4 năm 1937, Steiner rời RKO và ký hợp đồng dài hạn với Warner Bros. nhưng vẫn làm tiếp cho Selznick. Bộ phim đầu tiên ông soạn nhạc cho Warner Bros. là The Charge of the Light Brigade (1936). Steiner trở thành trụ cột tại Warner Bros., soạn nhạc cho 140 phim trong vòng 30 năm cùng với các ngôi sao Hollywood như Bette Davis, Errol Flynn, Humphrey BogartJames Cagney.[6] Steiner thường xuyên làm việc với Hugo Friedhofer, người hòa âm dàn nhạc cho Warner Bros.. Trong sự nghiệp, Friedholfer hòa âm 50 tác phẩm của Steiner.[42][43] Năm 1938, Steiner viết và chuyển soạn tác phẩm "soạn cho phim" đầu tiên là Symphony Moderne để nhân vật chơi dương cầm và rồi là nhạc một chủ đề trong Four Daughters (1938), tiếp đến được cả dàn giao hưởng trình diễn Four Wives (1939).[44]

Năm 1939, Steiner được Warner Bros. cho Selznick mượn để soạn nhạc phim Gone with the Wind (1939) là một trong những thành công đáng chú ý nhất của Steiner. Steiner là người duy nhất mà Selznick chọn mặt để soạn nhạc cho phim này.[3] Steiner chỉ có ba tháng để hoàn thành bản nhạc. Lưu ý trong năm 1939, Steiner đã biên soạn cho hơn 12 phim, nhiều hơn bất cứ năm nào khác trong sự nghiệp sáng tác của mình. Vì lo ngại Steiner không đủ thời gian hoàn tất, Selznick đã để Franz Waxman soạn một bản dự phòng. Để đáp ứng thời hạn, Steiner đôi khi làm việc liền 20 tiếng, phải dùng Benzedrine bác sĩ kê cho tỉnh táo. Khi phát hành, đây là nhạc phim dài nhất từng được sáng tác, tổng thời gian gần ba giờ. Tác phẩm bao gồm 16 chủ đề chính và gần 300 phân đoạn âm nhạc.[45][3] Do độ dài bản nhạc, Steiner được bốn người dàn dựng và chuyển soạn hỗ trợ về nhạc, bao gồm cả Heinz Roemheld.[46] Selznick đề nghị Steiner chỉ dùng nhạc cổ điển có sẵn để cắt giảm chi phí và thời gian,[47] nhưng Steiner thuyết phục lại rằng dùng nhạc hòa tấu cổ điển hoặc thông dụng sẽ không hiệu quả bằng nhạc gốc dành riêng, sẽ nâng cao nội dung cảm xúc các cảnh quay.[48] Steiner bỏ qua yêu cầu từ Selznick và soạn bản nhạc mới hoàn toàn. Selznick đã thay đổi ý kiến mình về việc dùng nhạc gốc dành riêng cho phim khi có những phản hồi quá tích cực về bộ phim, gần như tất cả đều có âm nhạc của Steiner. Thậm chí một năm sau, ông còn viết thư nhấn mạnh giá trị nhạc gốc dành riêng.[49] Bài nhạc chủ đề nổi tiếng nhất trong phim là "Tara" dành cho đồn điền gia đình O'Hara. Steiner giải thích tình yêu sâu đậm của Scarlett dành cho mảnh đất là lý do "chủ đề 'Tara' bắt đầu và kết thúc phim và xuyên suốt toàn bộ bản nhạc".[50] Bộ phim tiếp tục giành được mười giải Oscar, tuy nhạc phim gốc hay nhất đã thuộc về The Wizard of Oz của Herbert Stothart.[51] Cuốn theo chiều gió được AFI xếp thứ 2 cho những nhạc phim Mỹ hay nhất mọi thời đại.[52]

Now, Voyager (1942) là nhạc phim giúp Steiner giành được Giải Oscar thứ hai của mình. Kate Daubney cho rằng bản nhạc thành công vì Steiner có khả năng "[cân bằng] ý nghĩa chủ đề với thanh âm của âm nhạc".[53] Steiner đã dùng các mô típ và yếu tố chủ đề trong âm nhạc để nhấn mạnh sự phát triển cảm xúc câu chuyện.[54] Sau khi hoàn thành Now, Voyager, Steiner lại được thuê để soạn nhạc cho Casablanca (1942). Steiner thường đợi cho đến giai đoạn biên tập phim mới bắt tay vào soạn nhạc. Sau khi xem Casablanca, ông thấy ca khúc "As Time Goes By" của Herman Hupfeld không thích hợp nên muốn dùng bài hát do mình sáng tác để thay thế. Tuy nhiên, Ingrid Bergman vừa cắt tóc ngắn để chuẩn bị quay For Whom the Bell Tolls (1943), nên không thể quay lại đoạn có bài hát của Steiner. Bị kẹt với "As Time Goes By", Steiner chấp nhận và biến bài hát trở thành chủ đề trung tâm trong toàn bộ bản nhạc của mình.[55] Bản nhạc phim Casablanca được đề cử Oscar hạng mục Bản nhạc hay nhất cho phim lãng mạn hoặc hài, nhưng thất bại trước The Song of Bernadette (1943).[56] Năm 1944, Steiner nhận giải Oscar thứ ba và cũng là cuối cùng của mình cho phim Since You Went Away (1944). Steiner lần đầu tiên trong thực tế vừa sáng tác chủ đề từ Since You Went Away vừa tái cân bằng bản nhạc đầy tâm trạng của Franz Waxman cho Rebecca. Nhà sản xuất David O. Selznick rất thích nhạc chủ đề này và yêu cầu Steiner đưa vào Since You Went Away.[57][58] Năm 1947, Steiner kết hôn với Leonette Blair.[16]

Steiner cũng thành công với thể loại phim noir. The Big Sleep, Mildred PierceThe Letter là những bản nhạc phim noir hay nhất của ông trong thập niên 1940.[40] The Letter lấy bối cảnh Singapore, câu chuyện sát nhân bắt đầu bằng nhạc chủ đề chính ồn ào ngay trong phần credit đầu phim, tạo nên không khí căng thẳng và bạo lực cho phim. Nhạc chủ đề góp phần phác họa lên nỗi đam mê bi thảm của nhân vật chính Leslie.[59] Nhạc chủ đề chính được phát trong cảnh Leslie gặp mặt vợ nạn nhân trong tiệm ăn người Hoa. Steiner khắc họa cảnh này qua tiếng chuông gió leng keng khi người vợ xuất hiện trong làn khói thuốc phiện. Tiếng leng keng vang tiếp cho đến khi người vợ yêu cầu Leslie tháo khăn choàng ren che mặt, nhạc bùng lên cho thấy cảm xúc những phụ nữ này rạn vỡ.[60] Nhạc phim The Letter đề cử giải Oscar hạng mục Nhạc gốc phim hay nhất, nhưng thất bại trước Pinocchio của Walt Disney.[61] Trong The Big Sleep, Steiner dùng chủ đề âm nhạc để miêu tả tính cách nhân vật. Nhạc chủ đề Philip Marlowe (Humphrey Bogart) lý thú và châm biếm bằng nốt láy vui đùa ở cuối mô típ, được miêu tả xen lẫn giữa trưởng và thứ. Cuối phim, chủ đề này được chơi hoàn toàn bằng hợp âm chính và đột ngột kết thúc hợp âm khi hết phim (cách thức này không phổ biến ở Hollywood lúc ấy).[62] Theo Christopher Palmer, nhạc chủ đề tình yêu giữa Philip (Bogart đóng) và Vivian (Lauren Bacall đóng) là một trong những nhạc chủ đề mạnh mẽ nhất của Steiner. Steiner tận dụng sự tương phản giữa đàn dây nốt cao và trầm cùng kèn đồng để nhấn mạnh tình cảm Philip dành cho Vivian đối lập thế giới tội phạm bạo tàn.[63]

Năm 1947, Steiner soạn nhạc cho phim noir Viễn TâyPursued. Steiner thành công hơn nữa với thể loại phim Viễn Tây, soạn nhạc cho hơn 20 phim quy mô lớn, phần lớn đều là những bản nhạc mang cảm hứng sử thi "xây dựng và tiến bộ của đế chế"[3] như Dodge City (1939), The Oklahoma Kid ( 1939) và Virginia City (1940). Dodge City, với diễn xuất của Errol Flynn và Olivia de Havilland, là ví dụ tiêu biểu cho việc Steiner xử lý các khung cảnh điển hình trong thể loại phim Viễn Tây. Steiner đã sử dụng "giai điệu chạy nhảy, nâng lên" phản ánh chuyển động và âm thanh của xe hàng, ngựa và gia súc. Steiner bày tỏ tâm huyết khi kết hợp phong cách Viễn Tây và lãng mạn như trong They Died with their Boots On (1941) cũng với cặp diễn viên Flynn và de Havilland.[3] Ngày nay, The Searchers (1956) được coi là tác phẩm Viễn Tây hay nhất của ông.[64]

Các tác phẩm về sau (1953–1965)

Mặc dù kết thúc hợp đồng năm 1953, Steiner đã trở lại Warner Bros. năm 1958 và soạn nhạc cho một số phim như Band of Angels, Marjorie MorningstarJohn Paul Jones, rồi thử sức trong lĩnh vực truyền hình. Steiner vẫn thích các dàn nhạc lớn và kỹ thuật nhạc tố chủ đạo trong giai đoạn này.[2][65] Sức làm việc của Steiner chậm lại đáng kể vào giữa thập niên 1950 và bắt đầu làm việc tự do. Năm 1954, RCA Victor đề nghị Steiner chuẩn bị và dàn dựng nhạc giao hưởng Gone with the Wind để thu đĩa LP đặc biệt, sau này được phát hành trên CD. Ngoài ra còn có các đĩa ET ghi âm Steiner chỉ huy dàn nhạc Warner Brothers chơi nhiều bản nhạc phim của mình. Nhà soạn nhạc Victor Young và Steiner là bạn tốt của nhau, và Steiner đã giúp hoàn thành nhạc phim China Gate, vì Young qua đời trước khi kịp hoàn tất. Khung credit viết: "Nhạc của Victor Young, được người bạn cũ Max Steiner góp thêm".[66] Có rất nhiều bản ghi âm nhạc của Steiner dưới dạng nhạc phim, bộ sưu tập và người khác ghi âm lại. Steiner viết về tuổi 70 của mình ốm yếu gần như mù lòa nhưng các sáng tác vẫn "lộ ra sự tươi mới và dồi dào sáng tạo".[67] Năm 1959, Steiner đã 71 tuổi, soạn ra nhạc nền phim A Summer Place trở thành một trong những giai điệu ăn khách nhất của Warner Brothers trong nhiều năm và tiêu chuẩn nhạc pop được thu âm lại. Nhạc chủ đề ''A Summer Place'' đã giữ vị trí số 1 suốt chín tuần trên xếp hạng đĩa đơn Billboard Hot 100 năm 1960 (với phiên bản làm lại cho nhạc khí của Percy Faith).[68] Steiner tiếp tục soạn nhạc cho phim hãng Warner đến giữa thập niên 1960.[3]

Năm 1963, Steiner bắt đầu viết tự truyện. Tuy hoàn tất nhưng lại chưa bao giờ xuất bản, tự truyện là nguồn tư liệu duy nhất nói về thời thơ ấu Steiner. Bản sao của bản thảo nằm chung trong Bộ sưu tập Max Steiner tại Đại học Brigham YoungProvo, Utah.[16] Năm 1965, Steiner soạn bản nhạc cuối nhưng tuyên bố rằng sẽ soạn nhạc phim nữa nếu được trao cơ hội. Những năm cuối đời Steiner không còn tác phẩm nào là do Hollywood bớt chuộng nhạc của ông, việc này xuất phát từ những nhà sản xuất phim mới cũng như khẩu vị mới về nhạc phim. Phần khác khiến sự nghiệp đi xuống là do thị lực yếu và sức khỏe suy giảm, Steiner đành miễn cưỡng về hưu.[69] Tony Thomas gọi bản nhạc cuối cùng của Steiner như "đoạn kết (coda) yếu cho một sự nghiệp vĩ đại".[70]

Steiner qua đời vì suy tim sung huyết ở Hollywood, hưởng thọ 83 tuổi.[37] Ông an nghỉ trong Lăng mộ Lớn tại Nghĩa trang Forest Lawn Memorial ParkGlendale, California.[71]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Max Steiner http://www.discogs.com/artist/Max+Steiner http://hollywoodinvienna.com/en/people/max-steiner http://store.intrada.com/s.nl/it.A/id.9675/.f?sc=1... http://projects.latimes.com/hollywood/star-walk/ma... http://files.lib.byu.edu/ead/XML/MSS1547.xml http://awardsdatabase.oscars.org/ https://www.classic-hotelwien.at/hotel-wien-zentru... https://www.mediathek.at/atom/2009B43A-018-000C7-0... https://www.afi.com/afis-100-years-of-film-scores/ https://www.allmusic.com/album/now-voyager-the-cla...